'Việc tăng dân số của Đà Lạt có thể nói là sự thèm khát của nhiều địa phương'.
Là một người chuyển lên Đà Lạt kinh doanh khách sạn 10 năm trước, anh Nguyễn Quý - nhân vật trong bài viết Làn sóng di cư lên Đà Lạt nói, homestay, nhà kính thi nhau mọc, hiện 95% người khu anh sống đã không còn nói giọng Đà Lạt.
Việc nhiều người đến Đà Lạt ở cho thấy cả những sự thay đổi tích cực và thách thức mà thành phố đang phải đối mặt.
Độc giả nickname myhanh.dang87, một người dân địa phương chia sẻ: "Nhà tôi cách Đà Lạt 20 km, đi xe máy đến tốn 30 phút. Năm 2008 tôi làm việc ở Đà Lạt và ở đấy liên tục 4 năm. Năm 2012 tôi đi lấy chồng nên thi thoảng cuối tuần tôi lên Đà Lạt chỉ để đi siêu thị và ăn kem trái cây.
Lâu dần khu vực tôi ở có siêu thị và hàng quán bán đồ ăn vặt nên tôi chỉ lên Đà Lạt chỉ để khám chữa bệnh. Lúc trước lên Đà Lạt tôi phải dùng bao tay, khăn choàng, tất chân, bây giờ chỉ cần mặc áo gió, đeo khẩu trang vì thời tiết ấm lên nhiều. Đà Lạt không còn như những năm 2000 nữa".
Độc giả trunksleessj4 nhắc lại những kỷ niệm khi đến chơi Đà Lạt 20 năm trước:
"Tôi là người đã từng đi Đà Lạt từ cái thuở mà thành phố này còn sống đúng với cái tên 'Thành phố sương mù, thành phố mộng mơ'. Còn nhớ những năm đầu 2000. vừa tới đèo Prenn là thấy sương giăng khắp lối.
Bây giờ sương không còn, lên Đà Lạt có khi còn chẳng cần phải mặc áo ấm, mang khăn tay, đội nón len nữa. Bây giờ họa chăng có ai rủ thì tôi mới lên chơi chứ Đà Lạt từ lâu đã không còn nằm trong danh sách xê dịch của tôi nữa rồi".
Độc giả nickname binh4design cho rằng: "Thực ra không chỉ Đà Lạt mà mọi nơi có nhiều người đến sinh sống làm ăn đều là điều rất đáng quý. Vấn đề nảy sinh chỉ do chưa biết cách đáp ứng nhu cầu tăng trưởng.
Để đáp ứng tốt phải nhận rõ nhu cầu, phải biết bỏ cái cũ lạc hậu để làm cái mới tốt hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu. Di sản chỉ giữ lại những gì đặc trưng nhất, có giá trị nhất mà số đông nhìn được, cảm nhận được, thể hiện qua vai trò quan trọng trong cuộc sống".
Độc giả Abc.aBc.abC cho rằng Đà Lạt thay đổi không thể tránh khỏi, nhưng cần có sự quan tâm và chăm sóc đối với thành phố này:
"Tôi thấy hầu hết các bạn để lại ý kiến ở đây đều chỉ đến Đà Lạt một vài lần, không phải là người Đà Lạt.
Tôi là người sinh ra, lớn lên và hiện đang làm việc ở Đà Lạt. Tôi yêu mảnh đất này và chứng kiến nó thay đổi hàng ngày, các bạn không thể yêu cầu một mảnh đất giữ nguyên hiện trạng như thế trong vòng 10 năm, 20 năm, 30 năm hoặc hơn thế được.
Nó phải phát triển theo xu hướng chung của đất nước và định hướng phát triển của khu vực. Các bạn nên nhìn vào các chính sách, kế hoạch và chiến lược phát triển của thành phố để đánh giá, đừng chỉ vì một lần đến, trải nghiệm chưa tốt mà đã đánh giá cả thành phố.
Về thời tiết, thiên tai, mọi thứ đều xuất phát từ ý thức và việc phát triển đô thị hóa mức độ nhanh nên mọi nơi đều thay đổi và ảnh hưởng.
Cá nhân tôi thấy Đà Lạt vẫn giữ được nét đặc trưng và thu hút du lịch, Đà Lạt vẫn cố gắng hàng ngày để làm hài lòng khách đến, hy vọng các bạn vẫn yêu thương mảnh đất nhỏ bé này".
Độc giả Shiba nói rằng việc nhiều người đến Đà Lạt sinh sống là cơ hội phát triển mà không phải địa phương nào muốn cũng được, đồng thời cũng tạo ra những thách thức:
"Việc tăng dân số của Đà Lạt có thể nói là sự "thèm khát" của nhiều địa phương (ngoại trừ các thành phố lớn) hiện nay.
Trong khi nhiều địa phương phải dùng rất nhiều chính sách ưu đãi, cố gắng xây nhà máy xí nghiệp... để kéo người dân quay trở về, hoặc khuyến khích người dân sinh thêm con thì Đà Lạt lại được người dân vùng khác kéo đến định cư và sinh sống.
Hãy xem đó là cơ hội lớn cho Đà Lạt. Về cơ bản, việc tăng dân số chính là tiền đề để tăng giá trị tài sản cho một địa phương hay một quốc gia.
Thách thức của Đà Lạt gặp phải có thể nói là có phần nào đó giống với nhiều vùng thậm chí là nhiều quốc gia đang phát triển nhưng việc tăng dân số diễn ra qua nhanh, nên hạ tầng cơ sở, công ăn việc làm không thể đáp ứng được nhu cầu dẫn đến những vấn đề lớn về môi trường.
Dân số Đà Lạt sẽ còn tiếp tục tăng và có thể nói đó là cơ hội của Đà Lạt. Bài toán ở đây là cần có tầm nhìn dài hạn về quy hoạch để từ đó xây dựng một Đà Lạt phát triển bền vững, lâu dài".
Độc giả Khánh thuần cho rằng cần bảo vệ cây xanh và quy hoạch phát triển dựa trên nguyên tắc tôn trọng tự nhiên:
"Di cư là lẽ tự nhiên không thể thay đổi được, nhưng mong tất cả mọi người dân và cơ quan chức năng hãy nhận thức rằng:
- Giá trị của Đà Lạt chỉ tuyệt vời khi bảo vệ được cây xanh.
- Cảnh quan của Đà Lạt chỉ tuyệt vời nếu bảo tồn được cây xanh.
- Không những vậy chúng ta cần phải trồng thêm nhiều cây xanh ở mọi ngóc ngách không gian.
Quan điểm của tôi là: Chúng ta có thể còn nghèo chưa xây được những công trình vĩ đại, to lớn... Nhưng chúng ta hoàn toàn có thể quy hoạch để tạo ra các mảng xanh với chi phí hợp lý và mang giá trị lâu dài, tôn trọng tự nhiên, nuôi dưỡng phát triển thêm.
Một thành phố đẹp là một thành phố nhiều cây xanh, rừng cây trong thành phố và thành phố trong rừng".